Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Nguồn gốc lồng đèn

Lồng đèn
Đèn lồng hay lồng đèn là một loại đèn quen thuộc đối với các nền văn hóa Á Đông. Chúng có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, cũng như những cách thức chế tạo khác nhau. Đèn lồng loại đơn giản nhất là được làm bằng giấy và gắn cây nến bên trong, còn phức tạp hơn thì có khung tre xếp được hoặc khung kim loại, có giấy dán căng bao phía ngoài.

Ở Trung Quốc


Đèn lồng Trung Hoa, còn gọi là đèn lồng màu, xuất hiện từ khoảng 1800 năm trước, vào thời Tây Hán. Hàng năm, lễ hội Đèn lồng thường rơi vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch, người ta treo những chiếc đèn lồng màu đỏ để tạo bầu không khí lễ hội, vì đó là một biểu tượng của sự đoàn tụ. Người dân quan niệm rằng đèn lồng xua đuổi ma quỷ và mang lại bình yên, hạnh phúc. Đèn lồng giấy Trung Quốc thường là màu đỏ, được treo trước cổng nhà, thắp về đêm và tắt khi người nhà đi ngủ. Nếu có tang, trước nhà sẽ thay đèn lồng đỏ thành trắng. Thời xưa, người dân ra đường vào buổi đêm thường cầm theo chiếc đèn lồng giấy. Đèn lồng thường được dùng thay thế biển hiệu buôn bán cho những quán rượu, hoặc treo hai bên các biển hiệu và trong nội thất. Đèn lồng là biểu trưng của các khu buôn bán, sinh sống của người Hoa không chỉ tại chính quốc mà còn trên toàn thế giới. Đèn lồng Trung Quốc vô cùng đa dạng về mẫu mã, nhưng đặc trưng nhất là loại đèn đỏ hình trái bí.
Đèn lồng giấy Trung Hoa

Ở Nhật Bản


Đèn lồng Nhật Bản thường được làm từ một loại giấy truyền thống có tên goi là washi, được dán vào khung tre.

Những phong cách đèn truyền thống ở Nhật là bonbori, chōchin; chúng được viết lên bằng một loại chữ đặc biệt gọi là chōchin moji. Bonbori (ぼんぼり・雪洞?) là loại lồng đèn truyền thống dạng treo ngoài trời. Thông thường loại đèn này có 6 mặt và được sử dụng trong các lễ hội. Nó có thể được treo trên sợi dây hoặc cố định trên đầu cột. Loại đèn này được sử dụng phổ biến trong Lễ hội Bonbori (ぼんぼり祭り Bonbori Matsuri?), tổ chức hàng năm tại Kamakura, Kanagawa.
Đèn lồng Bonbori

Nhật Bản nổi tiếng nhất với loại đèn lồng cá chép, phỏng theo hình dạng cá chép Koi - loài cá đa chủng loại và màu sắc. Chiếc đèn lồng này là biểu tượng của sự bản lĩnh, tính kiên định và hoài bão của đàn ông Nhật. Đèn lồng cá chép thường được treo vào ngày lễ Koinobori dành cho các bé trai vào ngày 5 tháng 5 hàng năm.
Đèn cá chép ở Kyoto
Lễ hội đèn lồng là một trong những lễ hội tiêu biểu của người Nhật Bản, thời gian diễn ra thường vào mùa xuân hoặc mùa thu hàng năm. Có rất nhiều loại đèn lồng xuất hiện trong lễ hội: đèn lồng treo, đèn lồng thả nổi, đèn lồng cầm tay, đèn trời và đèn lồng đá. Ngoài ra, có một loại đèn lồng tuy hiện đại nhưng đã trở thành đặc trưng văn hóa quốc gia này, đó là đèn lồng Hello Kitty
Đèn lồng Hello Kitty
Đèn lồng Ishitourou

Đèn lồng đỏ Chouchin

Đèn lồng Tsuridourou

Đèn lồng Andon phổ biến từ thời Edo và vẫn được sử dụng đến ngày nay, thường thấy trong nội thất của các khách sạn, nhà hàng, các khu vườn. Andon được làm từ một khung tre hoặc kim loại bọc bởi giấy Nhật. Bên trong cái khung là lửa cháy bằng dầu đựng trong bát sứ hoặc đá. Tấm giấy vừa giúp lan tỏa ánh sáng, vừa giúp cản gió.

Ở Việt Nam

Tại Việt Nam, mỗi năm có hai mùa lồng đèn là tết Trung thu. Dịp tết Trung thu, lồng đèn đa dạng mẫu mã màu sắc được bày bán chủ yếu cho trẻ em chơi theo truyền thống, dịp Giáng sinh thì các nhà thờ đặt hàng người thợ những chiếc đèn hình ngôi sao. Nghề làm lồng đèn nhìn tuy đơn giản nhưng cần nhiều công phu và đòi hỏi người làm phải khéo tay.

Hiện nay đèn lồng tre và giấy kính truyền thống Việt Nam đang chịu cạnh tranh lớn từ các mặt hàng đèn lồng nhựa xuất xứ từ Trung Quốc, phần lớn là do giá thành. Theo giới sản xuất hàng nhựa, do giá rẻ nên nhiều khả năng lồng đèn Trung Quốc được sản xuất từ nhựa kém chất lượng, chứa nhiều thành phần kim loại nặng có thể ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng, nhất là đối với trẻ em.

Hội An

Đô thị cổ Hội An là nơi nổi tiếng với những chiếc đèn lồng trang trí đẹp mắt, đa dạng về màu sắc và kiểu dáng như đèn hình quả bí, quả trám, đèn củ tỏi, đèn giả kéo quân,... Dạo quanh phố cổ, có thể dễ dàng bắt gặp vô số lồng đèn được bày bán trong cửa hàng và treo trước hàng quán cả ban ngày lẫn về đêm. Đèn lồng phố Hội chủ yếu được làm từ gỗ, tre nứa (làm khung) và vải lụa (bao ngoài). Làm đèn lồng đã trở thành một nghề thủ công truyền thống ở nơi đây.
Khu phố cổ mỗi tháng tắt đèn một lần vào những ngày rằm, cũng là dịp để những ánh đèn trở nên lung linh.
Đèn lồng Hội An được đánh giá là một sản phẩm văn hoá có khả năng xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Không còn cố định trong những khung kiểu cổ điển, đèn Hội An ngày nay có thể xếp gọn, nhỏ để mang đi xa. Người đầu tiên nghiên cứu ra chiếc đèn lồng cơ động này từng được Chính phủ Nhật mời sang để giới thiệu về cách làm lồng đèn.

Thành phố Hồ Chí Minh

Lương Nhữ Học là một con đường nhỏ tại khu phố lồng đèn nằm ở trung tâm Quận 5, nổi tiếng và đông đúc vào dịp Trung thu với những hàng dãy lồng đèn rực rỡ màu sắc được bày bán. Những chiếc đèn được cắt, dán từ khung tre, giấy ni lông đủ màu, gắn đèn cầy. Phần lớn sản phẩm đều là hàng thủ công các chủ hộ buôn bán tự làm, tuy nhiên vẫn có nhiều chiếc đèn lồng nhập từ Trung Quốc được bày bán.
Phố lồng đèn Quận 5

Ngoài ra, con đường dẫn vào giáo xứ Phú Bình thuộc Quận 11 là nơi có làng nghề làm đèn lồng thủ công lâu đời. Tuy nhiên, do cạnh tranh với các mặt hàng Trung Quốc, số hộ gia đình còn tiếp tục theo nghề đã giảm mạnh còn khoảng 15 hộ, trong khi trước đây, khu vực này có đến cả trăm hộ hành nghề.

Huế

Đến mùa Phật Đản hàng năm, vào những ngày 14, 15 tháng 4 âm lịch, đường phố Huế và các cửa chùa rực rỡ sắc màu đèn lồng đẹp và giản dị với các loại đèn phong phú như: đèn hoa sen, đèn bánh ú, đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn nhiều cánh có hình đức Phật Đản... với phần lớn là do chính tay người dân làm thủ công. Quá trình làm lồng đèn có nhiều công đoạn: vót tre, cắt giấy màu hay vải, dán hồ và phơi; sau đó treo ở mái hiên và nơi thờ tự. Phần còn dư được đem bán trên các quang gánh, xe xích lô.
Lồng đèn Huế

Những nơi khác

Người dân một số tỉnh khu vực miền Bắc có xu hướng treo nhiều đèn lồng vào dịp tết Nguyên Đán, hình thành nên những khu phố đèn lồng đỏ. Điều này được cho là không phù hợp với phong tục tập quán văn hóa của Việt Nam và gây lãng phí lớn về nguồn điện. Năm 2011, với ước tính hơn hàng vạn chiếc lồng đèn được thắp sáng mỗi đêm ở thành phố, các thị xã, thị trấn thuộc tỉnh Thanh Hoá; trong khi đó vùng nông thôn thường xuyên diễn ra tình trạng thiếu điện, một số nơi buộc phải cắt điện để giảm tải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến